Ban thanh tra nhân dân là gì? Ban thanh tra nhân dân trường học là gì? Quy định về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trường học?
1. Ban thanh tra nhân dân là gì?
Trước tiên tìm hiểu về ban thanh tra nhân dân là gì, ta phải hiểu được thanh tra nhân dân là gì? Tại khoản 8 Điều 3 Luật Thanh tra 2010 quy định về thanh tra nhân dân như sau:
“8. Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước”.
Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở tại xã, phường, thị trấn do chính Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức và chỉ đạo hoạt động.
Ban thanh tra nhân dân được thành lập tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hay tại doanh nghiệp nhà nước do chính Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tại cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp đó hướng dẫn tổ chức và chỉ đạo hoạt động.
Ban thanh tra nhân dân có những nhiệm vụ sau đây:
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tại xã, phường, thị trấn trong những việc thực hiện chính sách, thực hiện pháp luật; giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; giám sát việc thực hiện pháp luật về dân chủ tại cơ sở theo quy định của pháp luật. Khi có phát hiện về dấu hiệu vi phạm pháp luật thì ban thanh tra nhân dân kiến nghị đến ngay người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ xác minh các vụ việc do chính Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao phó;
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ tham gia vào việc thanh tra, kiểm tra ở xã, phường, thị trấn theo chính đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có nhiệm vụ cung cấp thông tin, tài liệu và cử người tham gia khi được yêu cầu;
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xử lý vi phạm theo thẩm quyền và thực hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót đã được phát hiện qua hoạt động giám sát và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những công dân, của cơ quan tổ chức và đơn vị;
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân và kiến nghị đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương hay khen thưởng tập thể và cá nhân khi phát hiện sai phạm và có những thành tích trong công tác;
– Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ tiếp nhận kiến nghị và phản ánh của cơ quan, tổ chức hay đơn vị, cá nhân mà có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân;
– Ban thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.
2. Ban thanh tra nhân dân trường học là gì?
Ban thanh tra nhân dân trường học thuộc tổ chức ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Ban thanh tra nhân dân trường học do chính Hội nghị viên chức hoặc hội nghị đại biểu viên chức bầu lên. Ban thanh tra nhân dân trường học có trưởng ban và các thành viên, thành viên có từ 03 đến 09 thành viên là người đang công tác tại cơ sở trường học đó và nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên đó chính là thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban. Trưởng ban của ban thanh tra nhân dân trường học chịu trách nhiệm chung về các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trường học. Nếu như ban thanh tra nhân dân trường học có từ 05 thành viên trở lên thì được quyền bầu ra một phó trưởng ban và trách nhiệm của phó trưởng ban đó chính là giúp trưởng ban thực hiện các nhiệm vụ. Nhiệm kỳ của ban thanh tra nhân dân trường học là 02 năm.
Trong thời gian nhiệm kỳ, nếu các thành viên trong Ban thanh tra nhân dân trường học không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hoặc họ không còn được sự tín nhiệm thì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đưa đề nghị Hội nghị viên chức hoặc Hội nghị đại biểu viên chức bãi nhiệm và bầu ra người khác để thay thế.
3. Quy định về hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trường học:
Ban thanh tra nhân dân trường học do chính Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động.
Hoạt động của ban thanh tra nhân dân trường học bao gồm:
– Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Hằng năm, Ban thanh tra nhân dân trường học căn cứ vào các Nghị quyết của Hội nghị viên chức hoặc Hội nghị đại biểu viên chức trong trường học và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành công đoàn cơ sở để xây dựng lên chương trình, kế hoạch và kinh phí hoạt động.
+ Các chương trình, kế hoạch hay kinh phí hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trường học chỉ được thực hiện sau khi Ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua.
– Phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Việc thực hiện các chủ trương, các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hằng năm của trường học;
+ Việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị viên chức, các Nghị quyết Hội nghị đại biểu viên chức của trường học; việc thực hiện nội quy, quy chế của trường học;
+ Việc thực hiện các chế độ, các chính sách đối với viên chức theo quy định của pháp luật;
+ Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở trường học;
+ Việc tiếp công dân hay tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu trường học; việc thi hành những quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo mà đã có hiệu lực pháp luật tại trường học;
+ Việc thực hiện các kết luận hay quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của trường học; việc xử lý những vụ việc tham nhũng và lãng phí trong trường học;
+ Những việc khác theo quy định của pháp luật.
– Phương thức thực hiện quyền giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Ba thanh tra nhân dân trường học tiếp nhận các ý kiến phản ánh của viên chức và thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét hay để theo dõi những người có trách nhiệm ở trường học trong việc thực hiện những công việc thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học.
+ Phát hiện các hành vi trái pháp luật của trường học.
+ Kiến nghị trực tiếp hoặc có thể thông qua Ban chấp hành công đoàn cơ sở để thực hiện kiến nghị với người đứng đầu trường học về các vấn đề mà có liên quan trực tiếp đến các nội dung thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học.
– Hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Chậm nhất là 5 ngày trước khi thực hiện một cuộc giám sát, Ban thanh tra nhân dân trường học phải có kế hoạch để gửi Ban chấp hành công đoàn cơ sở và cho người đứng đầu trường học
+ Trong quá trình thực hiện công việc giám sát, Ban thanh tra nhân dân trường học có quyền đề nghị với người đứng đầu trường học cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát.
+ Trường hợp phát hiện các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức, có dấu hiệu của hành vi tham nhũng, lãng phí hay sử dụng sai với mục đích chi, thu ngân sách và những khoản đóng góp hay quỹ phúc lợi của viên chức và những hành vi có vi phạm pháp luật khác mà thuộc phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân trường học thì thực hiện kiến nghị hoặc có thể thông qua Ban chấp hành công đoàn cơ sở để đưa kiến nghị với người đứng đầu trường học xem xét, giải quyết và khi đưa kiến nghị Ban thanh tra nhân dân trường học có trách nhiệm phải báo cáo với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, người đứng đầu trường học phải xem xét, giải quyết và phải thông báo kết quả giải quyết tới cho Ban thanh tra nhân dân.
– Hoạt động xác minh của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Khi được người đứng đầu trường học giao cho nhiệm vụ xác minh, Ban thanh tra nhân dân trường học có trách nhiệm phải thực hiện đúng với nội dung, thời gian và phạm vi nhiệm vụ được giao.
+ Trong quá trình thực hiện công việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân trường học được quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết để phục vụ cho việc xem xét và làm rõ sự việc được xác minh. Khi kết thúc việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân trường học phải báo cáo với người đứng đầu trường học về kết quả xác minh đồng thời phải kiến nghị các biện pháp giải quyết.
+ Trong quá trình xác minh, nếu phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật mà gây thiệt hại đến những lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức mà cần phải xử lý ngay thì phải lập biên bản và đưa kiến nghị người đứng đầu trường học đồng thời giám sát việc thực hiện các kiến nghị đó.
+ Trong thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, người đứng đầu của trường học có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết và phải thông báo kết quả giải quyết cho Ban thanh tra nhân dân trường học.
– Chế độ làm việc của Ban thanh tra nhân dân trường học:
+ Ban thanh tra nhân dân trường học họp định kỳ mỗi quý một lần nhằm kiểm điểm công tác trong quý đồng thời triển khai công tác của quý sau, trong trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất.
+ Ban thanh tra nhân dân trường học thực hiện chế độ báo cáo theo quý.
Tham khảo thêm tại đường link
https://luatduonggia.vn/quy-dinh-ve-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-truong-hoc/