Tiểu sử Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu
Tiểu sử
CHỊ VÕ THỊ
SÁU
(1933-1952)
 |
Chị Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là TT Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thân sinh ra chị là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Ông bà có sáu người con, chị là người con thứ năm trong gia đình (theo cách gọi ở Nam bộ là thứ sáu).
|
Năm 1947 (14 tuổi) chị gia nhập vào đội công an xung phong
quận Đất Đỏ trừng trị ác ôn, làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian. Ngày 14 -7 -1948,
chị đã dũng cảm dùng lựu đạn tấn công cuộc mít tinh do dịch tổ chức tại chợ Đất
Đỏ; làm cho tên tỉnh trưởng Lê Thành Tường mất mặt với quan Tây. Võ Thị Sáu
được tuyên dương trước toàn đội.
Tháng 2/1950, tại phiên chợ giáp Tết Canh Dần, trong một
trận tập kích ném lựu đạn diệt các tên Cả Suốt, Cả Đay và không may chị bị sa
vào tay giặc. Địch đã dùng mọi cực hình để tra tấn nhưng không khai thác được
gì, địch đưa chị về giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn).
Chuyến tàu ngày 21/01/1952, thực dân Pháp đưa chị ra Côn
Đảo, ngày ấy các khám giam ở Côn Đảo không có nữ tù. Chúng tạm giữ chị ở Sở Cỏ
(Cảnh sát tư pháp).
Đêm ấy chị đã hát suốt đêm, chị hát những bài hát hào hùng
của một thời kháng chiến: Lên đàng. Cùng
nhau đi hùng binh, Tiến Quân ca...
Bốn giờ sáng ngày 23/01/1952, tên chủ Sở Có áp giải chị đến
văn phòng giám thị trưởng. Sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án xong
thì viên cố đạo lên tiếng:
- “Bây giờ cha rửa tội cho con...”
Chị gạt phắt lời cha cố:
- "Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là kẻ có tội... "
Viên cố đạo kiên nhẫn thuyết phục:
- “Trước khi chết con
có điều gì ân hận không ?”
Chị trả lời:
- “Tôi chỉ ân hận là
chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và bọn tại sai bán nước...”
Lúc bấy giờ hàng ngàn trái tim của người tù chính trị từ
Banh I, Banh II, Banh III họ đã thổn thức suốt đêm, tất cả đứng dậy hát bài Chiến Sỹ Ca, đó là bài hát thời ấy dành
để tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.
Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: "Còn yêu cầu
gì trước khi chết?
Chị yêu cầu: “Không
cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước minh đến giây phút
cuối và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người”. Chị
bắt đầu cất cao tiếng hát - Chị hát bài Tiến Quân Ca. Giọng hát của người con
gái Đất Đỏ thiết tha bay bổng. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ
súng thì chị lập tức ngưng hát và thét lên:
"- Đã đảo thực dân Pháp.
- Việt Nam độc lập muôn năm.
- Hồ Chủ Tịch muôn năm.”
Tiếng thét của chị làm bọn đao phủ phải chùng tay súng, bảy
tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt
chị trừng nhìn chúng một cách ngạo nghễ.
Chị đã anh dũng hy sinh lúc 7 giờ sáng ngày 23/01/1952 nhằm
ngày 27 tháng chạp năm Tân Mão.
Chị Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với
đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh
thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Ngày 02/8/1993 Chủ tịch nước Lê Đức Anh thay mặt nước CHXHCN
Việt Nam quyết định phong Võ Thị Sáu danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân
dân Việt Nam"
Ngày nay, mộ của Chị đang yên nghỉ tại Khu B2 di tích Nghĩa
trang Hàng Dương Côn Đảo. Hàng năm vào ngày 23/01, bà con nhân dân Côn Đảo tổ
chức lễ giỗ và nhân dân cả nước hướng về ngày giỗ chị một cách trang trọng và đầy
lòng thành kính trước anh linh người thiếu nữ anh hùng. Ngày 27/12 âm lịch,
nhân dân huyện Đất Đỏ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lễ giỗ chị theo truyền
thống của dân tộc tại nhà thờ tổ tiên ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.